Quy hoạch nhiệt điện tới 2030 - Nỗi kinh hoàng của môi trường sống
Từ năm 2016 đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 80 nhà máy* nhiệt điện, với tổng công suất 45.895MW
Riêng Vũng Áng sẽ có thêm 9 tổ máy, với công suất 4.100MW.
Ai cũng biết nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện đốt than nguy hại như thế nào đối với môi trường không khí, cũng như môi trường nước, môi trường đất của một quốc gia. Chính vì vậy đa phần các quốc gia hiện nay đã và đang giảm thiểu số lượng các nhà máy nhiệt điện và tăng tỷ trọng các nhà máy điện tái tạo trong quy hoạch tổng thể.
Vậy, với Việt Nam thì sao? Chúng ta quy hoạch gì cho chính tương lai của chúng ta?
Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, xét đến 2030 (gọi tắt là quy hoạch điện 7). Theo đó, từ năm 2016 tới năm 2030, cả nước sẽ có thêm 80 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất thiết kế lên tới 45.895MW – chiếm tỷ trọng 48% trong tổng số 96.062MW công suất phát điện được phê duyệt. Trong khi đó tính đến 2030, tổng công suất dành cho năng lượng tái tạo (đã bao gồm cả thủy điện nhỏ, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, …) chỉ là 25.727MW, chiếm 27% tổng công suất phát điện. Như vậy, trong quy hoạch dài hạn của quốc gia tới năm 2030, 73% nguồn năng lượng phục vụ cho nhu cầu cả nước sẽ đến từ nhiệt điện và các nguồn không tái tạo khác.
Đặc biệt, riêng tại khu vực Vũng Áng, sẽ có thêm 9 nhà máy* đi vào hoạt động từ năm 2016 (chưa kể các nhà máy đã hoạt động từ 2015 trở về trước).
Đây là một bản quy hoạch kinh hoàng cho môi trường Việt Nam, khi trung bình, cứ mỗi năm sẽ có thêm 5,33 nhà máy* nhiệt điện ra đời.
Để các bạn dễ hình dung, thì so sánh với nhiệt điện Vũng Áng 1 lớn nhất Việt Nam, công suất 1,200MW, thì từ năm 2016 tới 2030 chúng ta sẽ có thêm hơn 38 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 nữa được xả khói trên khắp cả nước.
Một con số khủng khiếp với môi trường sống, và tương lai của chúng ta!
(*): Nhà máy: Bao gồm các nhà máy riêng lẻ và các nhà máy cùng tên nhưng được đầu tư theo nhiều giai đoạn.