11:00 CH - Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Khi bắc cực không còn băng




Hôm nay mình xem được một bộ ảnh có tên "No snow, no ice" của nhiếp ảnh gia Patty Waymire ở đảo Barter, một hòn đảo nằm ở phía bắc Alaska. Hòn đảo nhỏ này đã từng là nơi buôn bán và cũng là nơi cư ngụ của một ngôi làng nhỏ săn bắt cá voi từ trước năm 1900. Trong suốt khoảng thời gian đó, những chú gấu bắc cực đã thống trị vùng đất băng giá này, chúng săn mồi, sinh sôi nảy nở, nuôi dạy con cái và sinh sống ở nơi đây. Thế nhưng, vào tháng 10 năm 2016 vừa qua, khi nhiếp ảnh gia Waymire đến thăm hòn đảo này, thay vì được bao phủ bởi băng tuyết như vốn dĩ phải vậy, thì hòn đảo chỉ trơ ra đất cằn cỗi.

Những bức ảnh chụp gấu bắc cực đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu đã giúp nhiếp ảnh gia được giải thưởng của năm từ National Geographic, trong danh mục "Những vấn nạn môi trường". Các bạn có thể xem những bức ảnh trong album này tại đây: http://www.pattywaymire.com/Polar-Bears-of-Alaska/

Năm 2016 vừa qua là năm nóng nhất trong kỷ lục từ trước đến nay mà các nhà khoa học đo lường được ở Bắc Cực (http://arctic.noaa.gov/Report-Card). Nhiệt độ trong không khí cao hơn 2 độ so với thời điểm lịch sử "nóng nhất" vào khoảng năm 1981 - 2010, khoảng thời gian xảy ra sự kiện El Nino. Kể từ năm 1900, nhiệt độ ở Bắc Cực đã tăng trung bình khoảng 3.5'C, và điều này có nghĩa là nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi so với sự tăng nhiệt độ toàn cầu.

Năm 2016 cũng được đánh dấu là năm mà băng ở Bắc Cực có trạng thái mỏng nhất, và những tảng băng ở Greenland cũng tan sớm hơn so với thường lệ.

Biến đổi khí hậu (Climate change) thường bị hiểu nhầm nó chỉ đơn giản là sự nóng lên toàn cầu (global warming). Nhưng thực ra không phải thế. Sự nóng lên của trái đất chỉ là một hiện tượng của sự biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu mang lại sự bất ổn của thời tiết, khi thì cực nóng, khi thì cực lạnh, nơi thì hạn hán kéo dài, nơi thì lụt lội triền miên...và hậu quả của nó chính là sự xâm lấn của nước mặn, băng tan, nước biển dâng cao, sự sinh sôi nảy nở của những loài côn trùng như ruồi muỗi, mang lại dịch bệnh cho con người và động vật..v.v..

Dạo gần đây tớ thấy nhiều bạn trẻ chia sẻ những bài viết của một cá nhân người Việt nhận xét về chính trị nước Mỹ, và đưa ra những thông tin Không - Phải - Thông - Tin - Khoa - Học để làm luận chứng cho việc....đảng dân chủ Mỹ bịa đặt ra việc thay đổi khí hậu để ăn tiền thuế của dân. Tớ muốn nói lại với các bạn - những bạn trẻ - đọc - gì - cũng - tin rằng, khi các bạn đọc một thông tin, bất cứ đó là tin gì, hãy suy nghĩ đến tính xác thực của nó.

Biến đổi khí hậu hay sự nóng lên toàn cầu là có thật hay không? Hãy nhìn xung quanh mình, chỉ cần nhìn ở riêng Việt Nam này thôi, bạn thấy thời tiết như thế nào? Đã bao nhiêu năm rồi chúng ta có thể mặc áo phông vào ngày tết ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc? Bạn có xem tin trên tv về việc nước mặn xâm lấn ở nhiều khu vực đồng bằng sông Cửu Long không? Bạn có thấy thông tin trên tv về việc băng vỡ và tan ở Bắc cực không? Chỉ những thông tin đơn giản mà chính bản thân bạn cũng có thể cảm - và nhận ấy thôi, rồi hãy thử tìm tòi đọc hiểu trên google, tìm những thông tin về biến đổi khí hậu từ những trang thông tin khoa học chính thống (NASA: http://climate.nasa.gov/evidence/) và đọc - hiểu - tự bổ sung kiến thức cho chính bản thân mình.

Sự sinh tồn của chúng ta và các sự sống khác trên trái đất hiện nay đang phụ thuộc vào con người chúng ta. Vì vậy đừng để bị dắt mũi như những con cừu non ngu ngốc trước những thông tin giả dối trên mạng xã hội.


- Trang Nguyen -
Chia sẻ lên mạng xã hội: