Quảng Ngãi: Thêm nhà máy giấy phá rừng, xả thải ra biển
UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã chấp nhận thu hồi gần 50ha rừng dừa nước ở xã Bình Phước (huyện Bình Sơn) để xây hồ chứa nước cho nhà máy bột- giấy VNT19 trên địa bàn.
Đây là dự án do Công ty cổ phần Bột - Giấy làm chủ đầu tư, đang trong giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị tại mặt bằng trên diện tích khoảng 117ha. Dự án này cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường từ tháng 9/2015. Mặt bằng dự án ban đầu là 70ha, tới giai đoạn sau sẽ là 130 ha.
Để nhà máy giấy đi vào hoạt động, công ty sẽ phải có nguồn cung cấp nước và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép phá 50ha rừng dừa nước để làm hồ chứa này.
Ông Nguyễn Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết, rừng dừa nước có giá trị lịch sử, che bộ đội du kích trong kháng chiến. Đây cũng là mảnh đất kiếm kế sinh nhai cho nhiều gia đình. Việc pháo hủy tới 50ha/ 70ha diện tích dừa nước ở đây khiến người dân tiếc nuối.
Ông Nhân cho biết, ngày nay, ít người còn sử dụng dừa nước nhiều như trước, nên rừng dừa Cà Ninh không còn hiệu quả kinh tế như trước. Rừng dừa Cà Ninh trở thành “lựa chọn” cho xây dựng bể chứa nước phục vụ Nhà máy Bột-Giấy.
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi), xác nhận trên Báo Thanh niên :“Quan điểm của huyện là ủng hộ chủ trương của tỉnh trong việc thu hồi đất để làm dự án. Tuy nhiên, không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Do vậy, nhà đầu tư cần phải trồng lại diện tích rừng thay thế nhằm đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái trong khu vực”.
Cũng theo bà, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi yêu cầu nhà đầu tư phải nộp cho quỹ phát triển rừng của tỉnh khoảng 500 triệu đồng/ha để trồng lại rừng dừa nước.
Ông Nguyễn Thế Nhân cho rằng qua các lần tổ chức họp, người dân đồng ý phá rừng dừa nước để làm hồ chứa nước nhưng nhiều người băn khoăn, lo lắng về vấn đề môi trường.
“Khoảng 20 ha rừng dừa nước nằm ngoài phạm vi hồ chứa nước thuộc sở hữu của người dân, cơ quan chức năng cần lấy tiền đền bù của chủ đầu tư mua lại để chuyển thành rừng phòng hộ, giữ môi trường sinh thái trong vùng”, ông Nhân kiến nghị.
Đường ống nước thải nhà máy giấy đổ thẳng ra biển, phải đặt ngầm hay "phơi" lên?
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, thì vị trí xả thải của Dự án tại vịnh Việt Thanh (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) cách bờ biển khoảng 500m - 1,5 km. Và với vị trí xả thải này, thì chủ đầu tư Dự án sẽ phải lắp đặt ống ngầm dưới nước, giống như trường hợp của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.
Song lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi băn khoăn, đó là “vấn đề này có đảm bảo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam hay không?”
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, vì lo ngại điều này, ngay từ năm 2011, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư trong quá trình thiết kế, xây dựng nhà máy, phải xây dựng một hồ nuôi cá bằng nước thải của nhà máy trước khi thải ra biển nhằm kiểm nghiệm tiêu chuẩn nước thải trước khi thải ra môi trường.
Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án vào tháng 9/2015 lại không nhắc tới vấn đề này.
Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hồ chỉ thị sinh học để kiểm chứng chất lượng nước thải sau khi xử lý trước khi xả thải ra môi trường, hoặc có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Quảng cáo dùng máy móc tốt nhưng lắp đặt máy cũ chất lượng tồi
Khi chấp thuận dự án, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng công nghệ tiên tiến, máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ, quy trình công nghệ khép kín, đáp ứng điều kiện về các chỉ tiêu kinh tế và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, trên thực tế Công ty CP bột - giấy VNT19 không lắp đặt máy móc thiết bị mới mà nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, đã qua sử dụng.
Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ KH-CN hỗ trợ kiểm tra, giám sát việc thẩm định, giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ dự án Nhà máy bột - giấy VNT19.
- Đất Việt -