10:30 SA - Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Vĩnh Phúc: Ung thư tăng đột biến ở vùng bò sữa


 



Mặc dù đem lại kinh tế cao, nhưng người dân đang phải trả giá đắt vì môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng…

Giàu lên nhờ bò sữa

Là nơi chăn nuôi bò sữa lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, người dân hai xã Vĩnh Thịnh và An Tường của huyện Vĩnh Tường đã giàu lên trông thấy kể từ khi chăn nuôi loại gia súc này. Sau nhiều năm, hiệu quả của nghề chăn nuôi bò sữa đã đem lại thu nhập cao cho nông dân tại địa phương.

Theo như đánh giá của ông Đào Tiến Anh –Bí thư xã An Tường, 5 năm trở lại đây, người dân tập trung nhiều vào việc nuôi bò sữa. Điều này giúp cho đời sống của người dân đi lên bởi thu nhập từ chăn nuôi bò sữa ổn định và cao hơn hẳn các ngành nghề khác tại địa phương.

Còn ông Đặng Văn Thành –Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, nơi có hơn 5 nghìn con bò sữa, 100% các thôn có chăn nuôi bò sữa cho biết, thị trường tiêu thụ bò sữa ổn định giúp thu nhập bình quân đầu người của xã từ 15,8 triệu đồng/năm (2010) tăng lên 26,5 triệu đồng/năm (2014). Tỷ lệ hộ nghèo ở đây cũng giảm rõ rệt, góp phần phục vụ đắc lực chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tính bình quân thu nhập trên một con bò khai thác sữa là 26 triệu đồng/ chu kỳ. Như vậy, so sánh hiệu quả kinh tế đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp khác, đặc biệt là trong chăn nuôi gia súc gia cầm tại địa phương thì bò sữa có hiệu quả vượt trội, mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho người dân và có thể phát triển làm giàu.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực trạng ô nhiễm cũng đến từ việc chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo những người chăn nuôi bò sữa, trung bình một con bò sữa tiêu tốn thức ăn trong 1 ngày khoảng 60kg thức ăn thô, 5 -7kg thức ăn tinh và khoảng 60 lít nước uống. Vì vậy, lượng chất thải của bò sữa là rất lớn. Hiện tại, đa phần các hộ chăn nuôi bò sữa trên đất ở, bò sống chung với người nên nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người là rất cao.

“Chăn nuôi trong khu dân cư, đương nhiên là ô nhiễm. Ở xã An Tường, thôn Cam Giá là nơi nuôi bò sữa nhiều nhất, khoảng 200 hộ nuôi bò sữa. Mỗi hộ ít nhất là 5 con bò sữa trở lên. Mỗi khi người dân cọ rửa chuồng trại, thời điểm sáng sớm và chiều tối mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhất là khi trời nắng”, ông Đào Tiến Anh –Bí thư xã An Tường nói.

Ông Đào Tiến Anh cho biết thêm: “Người dân sống ở đây nên quen, chứ công nhận là mùi nồng nặc thật. Nước thải chảy xuống cống, dù có nắp hay không cũng vẫn không thể tránh được mùi. Hầm biogas không thể xử lý hết ô nhiễm. Nói vui chứ nhà có khách ở xa tới, hay người lạ có khi không dám ngồi ăn cơm”.

Do điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư là chính, lượng chất thải từ bò sữa ra môi trường mỗi ngày khoảng 35 -40 tấn, trong khi chưa có hệ thống xử lý triệt để nên hiện tại môi trường tại địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bản thân ông Đào Tiến Anh trước đó cũng đã đem mẫu nước đi xét nghiệm, nguồn nước ở An Tường đã bị nhiễm nấm, bởi nước thải ngấm xuống, trong khi người dân chủ yếu là xử dụng nước giếng khoan.

Theo thông tin từ ông Đặng Văn Thành –Chủ tịch UBDN xã Vĩnh Thịnh, người dân ở đây đã áp dụng triển khai mô hình thí điểm sử dụng chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi trong chăn nuôi bò sữa qua các mô hình trên đã giải quyết được một phần ô nhiễm môi trường nông thôn, cũng như cung cấp một lượng khí đốt sinh học phục vụ đời sống dinh hoạt của người dân. Tuy nhiên hiện nay việc ô nhiễm môi trường có triều hướng gia tang, hệ thống mương thủy lợi bị tắc do phân và chất thải chăn nuôi từ bò sữa.

Ung thư và các bệnh hô hấp tăng đột biến

Bác sỹ Lê Văn Sinh –Trạm trưởng Trạm y tế xã An Tường chia sẻ: “Ô nhiễm nguồn nước và không khí tại địa phương là rất cao. Tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp ở trẻ em và người lớn tăng đột biến. Đặc biệt, tỷ lệ người mắc ung thư tăng 25%...”.

Năm 2014, tại xã An Tường có 9 trường hợp tử vong vì ung thư. Nhưng đến năm 2015 -2016, con số người bị mắc ung thư tăng 53 người. Đây là con số đáng báo động về tình trạng sức khỏe của người dân tại địa phương.

Còn ở xã Vĩnh Thịnh, số người mắc bệnh ung thư trong năm 2014 -2015 là 27 người. Nhưng riêng năm 2016 số người phát hiện bị mắc ung thư đã lên tới 31 người.

Việc người dân mắc bệnh ung thư gia tăng ngày một cao ở địa phương có nhiều nguyên nhân, nhưng việc môi trường sống ở đây đang bị ô nhiễm nặng nề đang là vấn đề rất đáng báo động.

Bà Nguyễn Thị Doanh –Phó trạm trưởng trạm y tế xã Vĩnh Thịnh chia sẻ: “Rõ ràng người dân chăn nuôi trong khu dân cư như vậy khiến họ bị ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mình, đặc biệt là từ nguồn nước sinh hoạt”.


- GĐ&PL -
Vùng tệp đính kèm
Chia sẻ lên mạng xã hội: