2:06 SA - Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Thảm họa Formosa, một năm nhìn lại - Phần 1


Ảnh Vietbest
Phần 1: THẢM HỌA VẪN TIẾP DIỄN

1. Môi trường sau thảm họa

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thảm họa môi sinh trường này sẽ khiến toàn bộ hệ sinh thái khu vực biển miền Trung bị hủy hoại nghiêm trọng và mất vài chục cho đến hàng trăm năm mới có thể khôi phục được. Theo một phóng sự ngắn của báo Dân Việt và Sài Gòn Giải Phóng, rặng san hô trên vùng biển của tỉnh Quảng Bình đã bị hủy hoại hoàn toàn. Chưa có một đảm bảo về tính khoa học nào rằng biển đã an toàn trừ những phát ngôn không có cơ sở của một số lãnh đạo như ông Trương Hòa Bình, Mai Tiến Dũng. Liên tiếp nhiều lần xảy ra những vệt nước đáng nghi màu đỏ xuất hiện quanh khu vực Vũng Áng gần Formosa. Trong một nghiên cứu độc lập, nhóm Green Trees, một nhóm bảo vệ môi trường đã đưa ra kết quả xét nghiệm nước biển lấy từ biển Kỳ Hà, Kỳ Anh vào tháng 2/2017 cho thấy mức độ nhiễm độc là rất nguy hiểm. Gần đây nhất, sáng 4/4/2017, một vệt nước đỏ đáng nghi xuất hiện ngay cầu cảng Vũng Áng ngay trong lúc đoàn kiểm tra môi trường của trung ương đang kiểm tra tại Formosa.

Ngay khi nhận tiền bồi thường từ Formosa, Chính phủ đã tuyên bố rằng sẽ dùng số tiền đó vào việc làm sạch biển. Tuy nhiên đã một năm trôi qua, chưa thấy thông tin nào xác nhận rằng Chính phủ đã tiến hành việc khôi phục lại môi trường biển.

Việc xử lý số lượng cá chết tại bờ biển cũng như xử lý hàng ngàn tấn hải sản nhiễm độc trong các kho đông lạnh cũng hết sức yếu kém. Hàng trăm tấn cá chết dạt bờ chỉ được đem chôn theo phương pháp thủ công. Hải sản nhiễm độc phần lớn không được tiêu hủy theo đúng phương pháp khoa học. Theo một bài báo trên Dân trí và Đại Đoàn Kết thì hàng trăm tấn sứa trữ tại các kho đông lạnh tại xã Thạch Kim và Thạch Bằng hiện đã hôi thối, bốc mùi nhưng chính quyền vẫn không hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiêu hủy an toàn. Số sứa hư hại này vẫn đang bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người dân địa phương.

Những người ngư dân cũng khẳng định rằng số lượng tôm cá trên vùng biển họ đánh bắt đã giảm đáng kể so với năm trước. Không có một báo cáo nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này, nhưng với số lượng cá chết năm ngoái không chỉ dạt vào bờ mà còn chết dưới đáy biển, thì sự giảm sút là không thể không xảy ra.

Đã một năm trôi qua, những mối nguy hại về môi trường không những không được giải quyết mà mối lo ngại vẫn tiếp tục khi Formosa vẫn hoạt động. Theo dự kiến, khi đưa vào sản xuất, lượng chất thải đổ ra môi trường sẽ lớn hơn nhiều lần so với đợt chạy thử nghiệm gây ô nhiễm năm 2016.

2. Kinh tế

Theo báo cáo kinh tế - xã hội cuối năm vào ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thảm họa Formosa đã gây thiệt hại 0.3% GDP. Với 200 tỷ đô la Mỹ GDP trong năm 2016, ước tính thiệt hại chung cho nền kinh tế quốc dân năm ngoái là 600 triệu đô la Mỹ, nhiều hơn số tiền Chính phủ nhận bồi thường từ Formosa. Trước đó, vào tháng 7/2016, Chính phủ đã công bố thiệt hại sơ bộ về thảm họa này với hơn 200 000 lao động và 17 600 tàu cá bị ảnh hưởng; 9 triệu tôm giống bị chết; sản lượng khai thác du lịch chưa tới 50%, nhiều nơi chỉ còn 10-20%,…

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và cả Nghệ An đều có những báo cáo thiệt hại riêng với những con số rất lớn. Trong báo cáo ở phiên họp Hội đồng nhân dân, Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thông báo rằng GDP của tăng trưởng ở mức -17.06%. Đối với một tỉnh mà thu ngân sách năm 2015 là hơn 10 ngàn tỷ thì đây là con số thảm họa. Tốc độ tăng trưởng của Quảng Bình chỉ đạt 4,2% so với mục tiêu 8%. Đối với Quảng Trị, báo cáo đưa ra là thiệt hại mỗi tháng 98 tỷ đồng. Thừa Thiên – Huế báo cáo thiệt hại là 988,5 tỷ đồng. Nghệ An, một tỉnh không được đền bù theo Quyết định của Chính phủ cũng đề nghị hỗ trợ 415 tỷ đồng.

Hiện tại, với sự lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thủy hải sản so với năm trước chỉ còn ½ làm cho lợi nhuận từ việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản vô cùng hạn chế. Các dịch vụ du lịch, thương mại biển vẫn trong tình trạng hết sức bết bát. Các ngành nghề khác liên quan đến biển cũng tiếp tục bị ảnh hưởng theo. Theo thống kê sơ bộ, số lượng người thất nghiệp là 40 000 người, trong đó Hà Tĩnh là 24 500 người. Chính quyền dự định đưa số người này đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động đang gặp khó khăn vì nhiều thị trường xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Đài Loan hạn chế vì số lượng lao động xuất khẩu trốn ở lại với tỷ lệ cao. Vì vậy, người dân tìm cách qua Lào và Thái Lan lao động chui. Báo chí nhà nước đưa tin rằng đầu năm 2017, số lượng người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đổ xô đi làm hộ chiếu, với số lượng hơn 500 người mỗi ngày mỗi tỉnh.

Ảnh hưởng về kinh tế của thảm họa Formosa không chỉ diễn ra trong năm 2016 mà chắc chắn còn ảnh hưởng không nhỏ đối với những năm tiếp theo. Báo cáo kinh tế- xã hội của các tỉnh miền Trung và cả nước quý 1/2017 so với cùng kì năm ngoái đều sụt giảm lớn.

3. Chính trị

Thảm họa Formosa gây ra do sự quản lý, cấp phép và điều hành của Trung ương, địa phương đã được nhận định rõ ràng. Tuy nhiên, việc thông tin thiếu minh bạch, lập lờ cùng với việc xử lý cá nhân sai phạm chậm trễ, có dấu hiệu bao che đã khiến niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trở nên cạn kiệt.

Thảm họa diễn ra từ đầu tháng 4/2016 với nhiều thông tin được người dân và báo chí đưa ra. Ngày 12/04, ông Đặng Ngọc Sơn trả lời báo chí rằng ăn cá an toàn trong khi cá vẫn chết hàng loạt. Ngày 27/4/2016, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường trả lời nguyên nhân cá chết là do thủy triều đỏ. Ngày 28/4, Chu Xuân Phàm, Phó Giám đốc đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh trả lời Lan Anh, phóng viên VTC14 rằng : “Chọn thép hay chọn cá?” Hai sự việc này đã gây ra sự phẫn nộ công chúng. Hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An,…đã diễn ra. Tệ hại hơn, những cuộc biểu tình này chịu sự đàn áp quyết liệt tại Hà Nội và Sài Gòn làm sự dồn nén càng tăng cao. Thay vì dồn mục tiêu vào Formosa, những người biểu tình dồn sự phản ứng vào chính quyền khi họ cho rằng chính quyền đang thiếu minh bạch trong việc xử lý thảm họa và bao che cho Formosa.

Mãi đến 3 tháng sau, ngày 30/06/2016, Chính phủ mới họp báo công bố thủ phạm chính là Formosa Hà Tĩnh đã xả thải gây ô nhiễm.

Đồng thời tuyên bố đứng ra nhận 500 triệu đô la Mỹ tiền bồi thường từ Formosa. Tuyên bố này làm công luận thêm một lần dậy sóng vì họ cho rằng việc giải quyết thảm họa này tốn ít nhất vài trăm tỷ đô và số tiền 500 triệu đô la là quá ít. Việc phản ứng này hoàn toàn có cơ sở khi báo cáo cuối năm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng thảm họa đã làm mất đi 0.3% GPD. Với khoảng 200 tỷ đô la GDP năm 2016, thì số thiệt hại riêng trong năm là 600 triệu đô la, hơn số tiền Chính phủ nhận từ Formosa. Trong khi đó, chưa tính đến số tiền bồi thường cho người dân, chi phí hành chính để phục vụ quá trình bồi thường, chi phí làm sạch biển cũng như những thiệt hại còn tiếp diễn cho những năm sau đó. Số tiền 500 triệu đô la mà Chính phủ nhận từ Formosa trở thành một chủ đề công kích và đàm tiếu từ người dân khi Chính phủ không hề tính đến thiệt hại cũng như tham khảo ý kiến người dân và chuyên gia. Người dân đã đặt nghi ngại về khả năng lãnh đạo, điều hành của nhà nước khi nhận một số tiền quá ít cho một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà thủ phạm gần như chỉ đưa một số tiền ít ỏi và phủi tay khỏi mọi trách nhiệm.

Sau khi nhận tiền từ Formosa, Chính phủ tuyên bố sẽ tiến hành bồi thường xong cho người dân trong tháng 8/2016. Tuy vậy, lời hứa chuyển sang tháng 10, rồi tháng 12 và bây giờ tiếp tục hứa đến 6/2017. Quá trình bồi thường hết sức chậm chạp cũng như người dân nhiều nơi cho rằng việc bồi thường không đảm bảo công bằng đã khiến tình hình chính trị tại các địa phương trở nên hỗn loạn. Hàng loạt các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra liên tục từ tháng 10 cho đến tận hôm nay 4/2017. Người dân liên tục biểu tình yêu cầu bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng tại các địa phương như tại Quảng Trạch ( Quảng Bình), Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Phương, Kỳ Nam ( TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã làm giao thông nhiều lần bị đình trệ trong nhiều giờ. Các cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh gần như ngày nào cũng có người dân tập trung lên đòi tiền bồi thường. Tình hình nghiêm trọng đến mức ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh phải ra văn bản yêu cầu và quy trách nhiệm cho các huyện, xã không được để người dân kéo lên UBND tỉnh đòi tiền. Tuy vậy, tình hình khiếu nại bồi thường vẫn không hề giảm sút dù rằng trên phương tiện truyền thông Trung ương và địa phương cho rằng người dân gần như đồng tình với việc bồi thường. Ngày 3/4/2017, hàng ngàn người dân tại 2 xã Thạch Bằng và Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã chiếm lấy UBND huyện Lộc Hà để yêu cầu bồi thường. Cùng ngày hôm đó, người dân tại Kỳ Phương, Kỳ Nam ( TX Kỳ Anh) biểu tình và làm tắc nghẽn giao thông trên Quốc lộ 1A hơn 6 giờ đồng hồ tại khu vực Đèo Con, TX Kỳ Anh. Với tình hình này, tình trạng phản đối, khiếu nại việc bồi thường sẽ vẫn tiếp diễn và bức xúc của người dân càng ngày càng lớn hơn vì khả năng xử lý hành chính, đối thoại của địa phương với người dân trong việc bồi thường thực sự có vấn đề nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại Nghệ An, một tỉnh không nằm trong danh sách bồi thường của Chính phủ, thì yêu cầu hỗ trợ từ cấp tỉnh lên Trung ương không được chấp thuận. Ngư dân bị thiệt hại không hề nhận được bồi thường. Vì vậy, họ tiến hành thủ tục khởi kiện dân sự Formosa Hà Tĩnh ra Tòa án nhân dân TX Kỳ Anh, nơi Formosa đặt trụ sở. Tuy vậy, chính quyền tìm cách không thụ lý vụ kiện này. 506 lá đơn của người dân xã An Hòa( Quỳnh Lưu) đã bị Tòa trả lại với lý do không hề chính đáng. Hơn 1000 người dân khác tại 3 xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải ( Quỳnh Lưu) khi trên đường di chuyển vào Kỳ Anh để nộp đơn kiện thì bị ngăn chặn và đàn áp bằng bạo lực tại Diễn Châu.

Thảm họa Formosa gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng môi trường hiện tại và tương lai; cùng với đó là cách xử lý thiếu minh bạch, yếu kém và thiếu sự tôn trọng người dân; cùng với mối nghi ngờ về sự bao che đã khiến cho tình hình chính trị tại các tỉnh bị ảnh hưởng trở nên rất mất ổn định. Chính phủ cũng không hề công khai cụ thể 53 lỗi của Formosa là gì khiến cho sự nghi ngờ luôn tồn tại. Chưa khi nào khả năng điều hành, quản lý của chính quyền bị người dân đánh giá tệ hại và niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam đi xuống trầm trọng như hiện nay. Chỉ dấu cho sự thay đổi tích cực không hề tồn tại khi chính quyền vẫn không nhận ra sai lầm cũng như thay đổi một cách triệt để thói quen điều hành đất nước như hiện nay.

5.4.2017

FB Trịnh Anh Tuấn

Các nguồn số liệu lấy từ các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các địa phương và trung ương.
Một số nguồn lấy từ báo chí nhà nước.

Thảm họa Formosa, một năm nhìn lại - Phần 2
Chia sẻ lên mạng xã hội: