Nhà văn Nguyên Ngọc " Con hổ của rừng Tây Nguyên "
Tôi tới thăm nhà văn Nguyên Ngọc vào một ngày trời rất đẹp, có chút hửng nắng tại Hội An. Trước đó thì cả tuần lúc nào trời cũng mưa tầm tã. Và thú thực là tôi không chắc mình có cơ hội về buổi gặp mặt, vì cả tuần không hề liên lạc được với nhà văn Nguyên Ngọc.
Nhà văn Nguyên Ngọc ( ảnh chụp tại Hội An - Nguồn ảnh: Thịnh Cao )
Ấn tượng khi gặp ông - một nhà văn sắp bước sang tuổi 90 của đời người, đó là trông ông vẫn linh hoạt, nhìn ông, nghe ông chia sẻ mà như hồn tôi bị thu hút vào câu truyện sống động đó.
Tôi nghe những người bạn xung quanh tôi miêu tả về ông như: " Con hổ của rừng Tây Nguyên" hay " Tài sản quý của Quốc Gia"... và rồi chỉ khi có cơ hội để gặp trực tiếp ông, lắng nghe những tâm sự của ông tôi mới thật sự thấu hiểu những mỹ từ mà họ dành để nhắc tới tên ông.
Nhà văn Nguyên Ngọc đi nhiều trên thực địa. Bàn chân ông đã in dấu khắp đất nước, không kể Tây nguyên là chốn thân thuộc như quê hương thứ hai, ông đã đi từ địa đầu Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau, đã dọc ngang trên rừng dưới biển. Ông đã đi rộng trong văn hóa, đọc nhiều, dịch nhiều, hăm hở mang kiến thức của nhân loại đến mọi người, nhất là những nghiên cứu dân tộc học, và miệt mài ứng dụng những điều đã đọc, đã biết vào những vấn đề cấp thiết của cuộc sống hiện tại.
Ông đã đi sát đời sống của nhân dân, của những người dân bình thường, nhất là người dân Tây nguyên, để hiểu rõ, hiểu sâu những nỗi khốn khổ và bức xúc của họ, và tìm cách nói cho họ những mối quan tâm lo lắng không chỉ về cuộc sống thường ngày mà còn về chuyện bản sắc, tinh thần, tâm linh.
Ông đã đi sâu trong tư duy, trong cách nghĩ từ những vấn đề trọng đại, lớn lao của đất nước đến những lo âu thiết thực của người dân phải đối mặt với bao khó khăn vất vả đời thường. Gần đây, nhà văn Nguyên Ngọc có chia sẻ bài viết về hiện tượng " Đất Chảy " - đây không chỉ là một bài viết tham khảo. Đối với tôi đó như là lời cảnh báo về tình trạng báo động về môi trường giống như biết bao nhiêu bài viết khác của ông. Tôi xin trích lại một đoạn trong bài viết " Đất Chảy " của ông như sau:
" Con người sống trên đất, ấy là ơn nghĩa vĩ đại của Tạo hóa. Trên khắp thế giới con người đều gọi đất là Mẹ hay là Cha. Fatherland, Mère Patrie, người Việt thì gọi Tổ quốc của mình là Đất nước.
Mối quan hệ sinh tử của sự sống là Đất và Nước được kết chặt vào nhau bằng Rừng. Năm mươi năm nay, với lòng tham vô độ, bất chấp mọi lời kêu cứu thất thanh, ta đã chặt đứt cái khâu sinh tử: RỪNG. Phá sạch sành sanh rừng rồi. Không còn rừng, rừng tự nhiên, thì NÚI CHẢY RA như nước. Năm nay không phải chủ yếu là lũ nước, mà là lũ đất. Đó là thay đổi cơ bản năm nay, và theo tôi, từ nay.
Không cần giàu tưởng tượng lắm đâu, để mà thử nghĩ: Chảy hết núi rồi, thì đến gì nữa?
Cứ đà này, rồi sẽ đến một ngày, cái nơi thân yêu và thiêng liêng mà ta vẫn gọi là Đất nước, là Tổ quốc, cái mặt đất trên đó là làng mạc, đồng ruộng, thành phố, con người nữa… tất cả, tất cả ta vẫn đinh ninh là trường cửu, là vĩnh hằng đây, có chảy trôi tuột luôn hết ra Biển Đông không?
Ai dám bảo là không? "
Tôi nhận thấy mình thật may mắn, được ngồi nghe những câu truyện về Tây Nguyên về bảo vệ môi trường từ ông. Để từ đó tôi có thêm những kiến thức quý báu, cũng giống như đối với ông - Tây Nguyên không đơn thuần là địa danh mà là không gian thiêng, nơi ông chọn để đọc hiểu quá khứ cũng như để bình giá hiện tại, và cũng là nơi ông lên tiếng bảo vệ.