Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến lược & Chính sách. Hiển thị tất cả bài đăng
Chính Phủ mới liệu có khá hơn trong việc bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu
Những bài học đắt giá mà Việt Nam đã phải đối mặt trong nhiều năm qua đó là tài nguyên rừng càng ngày càng suy giảm, nhiều diện tích rừng gần như bị xoá sổ vĩnh viễn, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiểm hoạ mang tính toàn cầu: biến dạng hệ sinh thái, thay đổi khí hậu và gia tăng các hiểm hoạ thiên nhiên... từng ngày đe doạ trực tiếp đến đời sống con người.
Hình ảnh: Rừng thông rộng 156ha và có tuổi thọ trên 45 năm tại Gia Lai sẽ bị chặt hạ và thay thế thành dự án sân golf thuộc FLC. ( Hình ảnh: Quyết Hồ ) |
Hiểm hoạ luôn được nhắc đến nhưng cứ hết đời này đến đời khác - Chính phủ vẫn luôn không rõ ràng:
Dak Lak là một trong những tỉnh có diện tích rừng đứng đầu cả nước, với tổng diện tích đất có rừng là 640.527ha, phong phú về hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Rừng ở Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung có chức năng phòng hộ, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn cho toàn bộ hệ thống canh tác nông nghiệp, phòng hộ biên giới. Đặc biệt, phần lớn diện tích rừng Dak Lak là rừng đầu nguồn ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông lớn của khu vực duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ: hệ thống sông Sêrêpôk, sông Ba, sông Hinh, Đồng Nai... Chính vì vậy, ở Dak Lak rừng không chỉ giữ vị trí quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học...mà còn có ý nghĩa quan trọng đến đời sống dân sinh, kinh tế, xã hội...
Tuy nhiên, tổng hợp thống kê hiện trạng rừng từ năm 2006 - 2010 cho thấy: diện tích rừng bị mất của toàn tỉnh là 8.533ha, trong đó 8.447ha rừng tự nhiên. Nguyên nhân chính dẫn tới mất rừng tự nhiên là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác như làm các công trình giao thông, thuỷ điện, thuỷ lợi, trồng cao su.... Ông Phạm Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ, cho biết tại Kết luận số 12 của Bộ Chính trị năm 2011, chỉ tiêu đặt ra năm 2015 độ che phủ rừng Tây Nguyên là 58%, năm 2020 là 59%. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, Tây Nguyên đã mất 462.000 ha, độ che phủ rừng Tây Nguyên giảm 5,98% và rừng vẫn tiếp tục bị phá. Bên cạnh đó, chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm nghiêm trọng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong nhiều năm qua đã khiến diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng. Diện tích rừng Tây Nguyên đang ở mức không thể để thấp hơn được nữa, chỉ còn chưa đầy 46% độ che phủ. Đáng nói, trên 70% diện tích là rừng nghèo kiệt; rừng trung bình và rừng giàu còn lại rất ít, tập trung ở các khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn. "Tây Nguyên phải bảo vệ được diện tích rừng hiện có. Đối với diện tích phát triển lâm nghiệp, dứt khoát phải trồng rừng và trồng rừng thâm canh" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Mặc dù rừng Tây Nguyên đã đến ngưỡng không thể để mất thêm nhưng thực tế các tỉnh vẫn đề xuất chuyển đổi hàng ngàn hecta rừng.
Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là Chính Phủ đóng vai trò chỉ đạo như thế nào xuống các ban ngành và các cấp địa phương để quyết liệt bảo vệ rừng, hay chỉ là việc dựng phông bạt như đề ra các chính sách bảo vệ và phát triển rừng nhưng rừng lại " rỗng ".
Hoàn thiện chính sách để khuyến khích người dân bảo vệ, phát triển rừng - Chỉ có thể ở trong cổ tích
Năm 2019 là năm thứ 3 thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Đây là chương trình nhằm cụ thể hoá mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42% vào năm 2020. Cũng theo lời của Phó Thủ tướng thì không nên " cực đoan " cấm tuyệt đối việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng: " Rừng gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Do đó, khi thực sự cần thiết vẫn có thể xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhưng phải tính toán và thực hiện một cách chặt chẽ, chỉ chuyển đổi nhằm đạt lợi ích cao nhất cho người dân và cộng đồng. Việc chuyển đổi phải đi đôi với trồng rừng thay thế", Phó Thủ tướng khẳng định.
Giờ thì các bạn có thể hiểu tại sao khi càng hoàn thiện chính sách bảo vệ, phát triển rừng chúng ta lại càng mất rừng nhanh hơn và đó là câu truyện chỉ tồn tại trong cổ tích. Vì nếu chỉ cố gắng hoàn thiện chính sách này mà không đi song hành cùng " nâng cao hiệu quả của chính sách ", khắc phục những điểm bất cập khác trong chính sách đương cử đó là sự liên kết giữa thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, do chính sách chỉ tập trung vào việc nâng cao diện tích rừng bằng các chương trình trồng mới đã dẫn đến việc xem nhẹ tầm quan trọng của việc phục hồi các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái và công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Đây cũng là những lỗ hổng lớn trong chính sách bảo vệ, phát triển rừng của Chính Phủ Việt Nam, đương cử như những vụ việc liên quan tới rừng mà gặp rất nhiều phản đối từ người dân khắp cả nước:
- Phát triển khu du lịch bên trong lõi rừng Quốc Gia Tam Đảo - Dự án thuộc về Sun Group tổng diện tích khai thác 49ha
https://www.tambao.net/ai-bao-ke-cho-sungroup-pha-rung-quoc-gia-tam-dao-bien-thanh-dac-khu-nhu-da-lam-voi-ba-na.html
Nguồn ảnh: Zing |
- Chặt rừng chôn gỗ xuống đất tại Lâm Đồng - Do nhóm được giao nuôi rừng, giữ rừng lại đi phá rừng, khiến hàng ngàn ha rừng mất trắng.
- Làm sân golf ở Gia Lai - Dự án thuộc FLC diện tích khai thác 156ha
https://www.facebook.com/257195361810062/posts/847964612733131/?d=n
- Phá rừng Pơ mu cổ thụ trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn
- Phá rừng Pơ mu cổ thụ trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn
500 vị đại biểu Quốc Hội khoá mới và Chính Phủ lâm thời sẽ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam ra sao???
Đây là câu hỏi chắc hẳn chúng ta ai ai cũng đều nghĩ tới khi mà càng ngày sự cảm nhận của mỗi cá nhân sống trong xã hội này phải đối mặt rõ ràng hơn. Suy giảm chất lượng không khí, ô nhiễm môi trường, tình trạng đất đai khô cằn, xói mòn... Liệu Chính Phủ mới và 500 vị đại biểu Quốc Hội khoá mới sẽ làm gì để bớt phải đánh đổi và quan trọng là giữ được nhưng lời nói cam kết về bảo vệ và phải có trách nhiệm với thế hệ mai sau.
Cá nhân tôi hoàn toàn tin vào những nhận định rất đúng của Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà khi ông phát biểu: " Bối cảnh thế giới hiện nay đang phải nỗ lực chạy đua với thời gian để giải quyết những thách thức, khủng hoảng mang tính khẩn cấp toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm và mất đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Những thách thức và khủng hoảng đó nếu không có hành động kịp thời sẽ để lại những hệ luỵ vô cùng to lớn, không thể đảo ngược lên môi trường sống và sức khoẻ của chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau, kèm theo tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng và nguy cơ mất an ninh lương thực vì thế cũng ngày một thêm trầm trọng "
Giờ chỉ còn là nhìn vào hành động và sự quyết liệt của Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói riêng, của Chính Phủ nói chung trong sự thúc đẩy bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
" Trồng cây vì một Việt Nam xanh cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là sửa chữa, khắc phục những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên trong suốt thời gian dài vừa qua, đưa Việt Nam trở thành một tấm gương mẫu mực, một điểm đến hấp dẫn về cuộc sống hài hoà với thiên nhiên trên bản đồ thế giới" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Nguồn ảnh: Internet chụp từ vệ tinh |
Hà Nội: Tới năm 2020 - 100% người dân được uống nước sạch tại vòi
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là 100% người dân Hà Nội phải được cấp nước sạch và tiêu chuẩn nước sạch được đặt ra là phải “uống được tại vòi”. Bên cạnh đó, để giữ gìn tài nguyên, các nhà máy nước phải chuyển hoàn toàn sang sử dụng nước mặt. Chủ tịch cho biết, TP coi việc đẩy nhanh cung cấp nước sạch là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Với mục tiêu này, các nhà máy nước cung cấp nước sạch khu vực nội đô phải khẩn trương nghiên cứu, bổ sung công nghệ lọc, trình phương án trong tháng 8/2017 để triển khai vào năm 2018. Các doanh nghiệp cấp nước cần rà soát hệ thống mạng cấp nước, không để thất thoát; thay đổi, điều chỉnh công nghệ để có thể sục rửa mạng cấp nước định kỳ; xây dựng đề án củng cố bộ máy, phương thức quản lý, không để thất thoát, tham nhũng…
Về nước sạch tại khu vực nông thôn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu tiếp tục phát triển mạng lưới cấp nước để lấy nguồn nước sạch của các nhà máy hiện có, đi đôi với khuyến khích nhà đầu tư xây dựng nhà máy mới. Để khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, Chủ tịch cho biết, TP sẽ giúp các doanh nghiệp kết nối với các ngân hàng; dành 800 đến 1.000 tỷ đồng cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ về nguồn vốn, ưu tiên các doanh nghiệp phát triển những dự án ở các huyện xa như Mỹ Đức, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên… Ngoài ra, TP cũng sẽ tổ chức kết nối các nhà đầu tư với các doanh nghiệp cung cấp vật tư để bảo đảm đồng bộ và chất lượng. TP cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ đầu tư trên lĩnh vực này theo hướng là giao Sở Xây dựng là đầu mối duy nhất tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ dự án đầu tư, đồng thời, cho phép cơ chế vừa thiết kế, vừa thi công.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm tháo gỡ những khó khăn, chủ động thúc đẩy và khuyến khích đầu tư vào một số vùng, dự án trọng điểm. Chủ tịch giao Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ dự án của Công ty Nước sạch Hà Nam, phối hợp với huyện Phú Xuyên, Sở Tài Chính để giúp Công ty này cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn huyện trong thời gian sớm nhất. Công ty Nước sạch số 2 cần kiểm điểm trách nhiệm trong việc sử dụng vật liệu không đúng tiêu chuẩn; khẩn trương phối hợp với huyện Sóc Sơn để cung cấp nước sạch cho nhân dân khu vực xã Nam Sơn. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước sạch mới, các nhà máy nước đã đi vào hoạt động cần nghiên cứu nâng công suất, mở rộng mạng cấp nước, phối hợp để phủ kín địa bàn. Các Công ty cấp nước cần nghiên cứu, tiến tới sớm đưa vào sử dụng đồng hồ nước thông minh để nâng cao năng lực quản lý…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, thời gian qua, để giải quyết nước sạch khu vực nông thôn, UBND TP Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện đề án giao công trình cấp nước nông thôn cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tiếp nhận quản lý. Thành phố đã chấp thuận chủ trương cho 10 nhà đầu tư thực hiện 20 dự án cấp nước cho khu vực nông thôn với phạm vi cấp nước cho 75 xã, hơn 180 nghìn hộ với gần 730 nghìn người dân. Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch lên khoảng 54%. Từ tháng 6/2016 đến nay, một số dự án cấp nước nông thôn đã được các nhà đầu tư triển khai thực hiện việc cấp nước cho khoảng gần 15 nghìn hộ với khoảng 60 nghìn người dân được cấp nước sạch.
- Theo nguồn HNP-
1/7, áp dụng khung giá tính thuế tài nguyên mới
Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau vừa được Bộ Tài chính ban hành sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
Theo Thông tư này, các nhóm, loại tài nguyên không quy định khung giá tính thuế tài nguyên gồm: Nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện; dầu thô, khí thiên nhiên, khí than.
Theo đó, giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4, còn giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP.
Khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, gồm: Khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại (Phụ lục I); khoáng sản không kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên (Phụ lục III); hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên và yến sào thiên nhiên.
Căn cứ Khung giá tính thuế tài nguyên ban hành tại Thông tư này, UBND cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tại địa phương.
Đối với loại tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến thành sản phẩm công nghiệp mới bán ra, giá tính thuế tài nguyên khai thác là giá đã trừ đi chi phí chế biến theo quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 152/2015/TT-BTC nhưng phải đảm bảo nằm trong Khung giá tính thuế tài nguyên.
Trường hợp điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên khi giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn, tức là tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành hoặc phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định trong Khung giá tính thuế tài nguyên.
Đối với trường hợp giá tài nguyên biến động lớn phải điều chỉnh ngoài Khung giá tính thuế tài nguyên, trong thời gian 30 ngày, Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND cấp tỉnh có văn bản trao đổi với Bộ Tài chính trước khi quyết định ban hành văn bản điều chỉnh Bảng giá tính thuế tài nguyên.
Đối với loại tài nguyên mới chưa được quy định trong Khung giá tính thuế tài nguyên, Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ giá giao dịch phổ biến trên thị trường hoặc giá bán tài nguyên đó trên thị trường trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định bổ sung Bảng giá tính thuế đối với loại tài nguyên này.
Các trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên quy định tại Khoản 1 Điều này cần gửi về Bộ Tài chính để làm căn cứ điều chỉnh Khung giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có phát sinh các trường hợp điều chỉnh, bổ sung Bảng giá tính thuế tài nguyên.
Đối với loại tài nguyên trong Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành và đang có hiệu lực thi hành, phù hợp với Khung giá tính thuế tài nguyên ban hành theo Thông tư này thì tiếp tục áp dụng theo Bảng giá do UBND cấp tỉnh đã ban hành.
Đối với loại tài nguyên trong Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành không còn phù hợp với Khung giá tính thuế tài nguyên ban hành kèm theo Thông tư này thì UBND cấp tỉnh ban hành văn bản điều chỉnh cho phù hợp, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
moitrupng.co.vn (TH/ TBTC
Đề xuất tăng chi ngân sách cho bảo vệ môi trường từ 2018
Bộ Tài Nguyên & Môi trường (TN&MT) mới đây đã có báo cáo gửi Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2016 trên cả nước. Dựa trên tình hình thực tế, Bộ TN&MT đề xuất tăng chi ngân sách cho bảo vệ môi trường lên 1,5%/năm kể từ 2018.
Theo Bộ TN&MT, năm 2016, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm bụi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chất lượng không khí tại nhiều đô thị cũng đang có xu hướng được cải thiện hơn.
Kết quả thống kê cho thấy, năm 2016, tại Hà Nội, tỷ lệ ngày trong năm có nồng độ bụi vượt QCVN 05:2013/BTNMT khoảng 23%, giảm gần 7% so với năm 2015, một số “điểm đen” về ô nhiễm không khí ở một số đô thị cũng đã được cải thiện.
Chất lượng môi trường đất hiện nay còn tương đối tốt. Tuy nhiên, tình trạng thoái hóa đất, khô hạn và ô nhiễm cục bộ đã diễn ra tại một số vùng chuyên canh nông nghiệp do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Ô nhiễm do chất thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt tại các vùng ven đô thị lớn, đặc biệt là ô nhiễm do kim loại nặng trong đất tại các khu vực này có xu hướng gia tăng.
Tính đến năm 2016, Việt Nam vẫn được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú và đặc hữu.
Nước ta có khoảng 7.500 chủng vi sinh vật, 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước, trong đó gần 11.000 loài động vật trên cạn và 10.500 loài động vật dưới nước. Tuy nhiên, đa dạng sinh học nước ta đang tiếp tục bị suy giảm nhanh, tốc độ tuyệt chủng của các loài ngày một tăng. Các hệ sinh thái biển, rạn san hô đang tiếp tục đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường, theo Bộ TN&MT, đến từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Ngoài ra, các nguồn thải lớn, dự án tác động xấu tới môi trường cũng là các nguyên nhân lớn khác.
Trong năm 2016, cả nước có khoảng 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm. Trong đó, đặc biệt là sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế làm hải sản chết hàng loạt do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Trước tình hình đó, Bộ TN&MT đã rút kinh nghiệm và đưa ra các đề xuất, kiến nghị trong giai đoạn tới. Đầu tiên, Bộ TN&MT đề xuất tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các vấn đề nóng, nổi cộm, như các dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất giám sát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chưa có hạ tầng bảo vệ môi trường; công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và nước thải sinh hoạt, y tế và công nghiệp; công tác quản lý, xử lý các khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu.
Cuối cùng, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện một số cơ chế đột phá để tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, xem xét, tăng nguồn chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lên 1,5%/năm trong tổng chi ngân sách nhà nước từ năm 2018.
Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị Việt Nam có cơ chế sàng lọc, hạn chế các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao.
moitruong.com.vn (TH/ KTĐT
Đọc nhiều nhất
-
200 câu hỏi và trả lời về môi trường
Mời mọi người tham khảo đáp án của 200 câu hỏi về môi trường theo đường link sau: https://drive.google.com/file/d/0B1KcEgJqwSp9bnBaemw0e... -
Lợi ích của năng lượng gió với con người và môi trường
Năng lượng gió mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho các khách hàng mà còn cho cả xã hội. Một vài lợi ích có thể nhìn thấy rõ ràng như... -
245 Người dân Hà Nội gửi kiến nghị phản đối dự án Sun Grand City Quảng An - Hồ Tây
Ngày 30/9/2017, với những lời kêu gọi được đăng tải trên mạng facebook phản đối việc thi công dự án Sun Grand City Quảng An... -
Hà Nội chịu tác động khí thải của 20 nhà máy nhiệt điện than
Tại buổi hội thảo về ô nhiễm không khí được tổ chức vào tối 5-6, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà ... -
Tòa án Thượng thẩm Đài Loan tiếp tục bác đơn của gần 8.000 nạn nhân Formosa Hà Tĩnh
Họp báo trước Toà Thượng thẩm ở Đài Bắc của Hội Công lý cho nạn nhân Formosa hôm 17/4/2020. Photo: RFA Sáng 17-4, đại d... -
Thành viên Green Trees - Cao Vĩnh Thịnh tiếp tục bị công an và an ninh Việt Nam gây sức ép
Ảnh trên trang cá nhân của Cao Vĩnh Thịnh chụp cùng ngài đại sứ quán Czech trong ngày kỷ niệm Quốc tế Nhân Quyền. Ngày 25/12/202... -
Thảm họa Formosa, một năm nhìn lại - Phần 1
Ảnh Vietbest Phần 1: THẢM HỌA VẪN TIẾP DIỄN 1. Môi trường sau thảm họa Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thảm họa môi sinh trư...
Tham khảo
Phân loại
Tin môi trường
(75)
Môi trường
(43)
Tin tức
(31)
Formosa
(29)
Tin hoạt động
(28)
Sự kiện
(24)
Bình luận & Nhận định
(23)
Video
(18)
Kiến thức về môi trường
(17)
Báo cáo môi trường
(8)
Luật môi trường
(8)
Phát triển bền vững
(8)
Tư liệu
(8)
Chiến lược & Chính sách
(4)
Kinh tế xanh
(4)
Tin công nghệ
(4)
Tiết kiệm năng lượng
(3)
Tản mạn
(1)
Theo thời gian